[Đây không phải review] Nam Lai Bắc Vãng – Thời gian như vạn cảnh lướt qua cửa sổ tàu

“Đoàn tàu và đường ray giống như dòng thời gian, cuốn đi tất cả, mang những điều phù hợp với thời đại tiếp tục gìn giữ và phát triển, bỏ lại những điều không còn thích hợp nữa.”

Tựa đề: Nam Lai Bắc Vãng

Đạo diễn: Trịnh Hiểu Long, Lưu Chương Mục

Biên kịch: Cao Mãn Đường, Lý Uyên

Diễn viên chính: Bạch Kính Đình, Đinh Dũng Đại, Kim Thần

 


 

Có lẽ Cao Mãn Đường thật sự đã làm được những gì ông nói trong phỏng vấn hồi tháng 8/2023, khi ông muốn Nam Lai Bắc Vãng (nlbw) là một tác phẩm vừa có điều tra, phá án hồi hộp như một bộ phim hình sự, lại vừa có khói lửa đời thường củi dầu gạo muối của một bộ phim niên đại hài lãng mạn. Trải nghiệm 39 tập của nlbw cũng giống như ngồi trên một chuyến tàu hỏa cũ, không sóng điện thoại, không phương tiện giải trí, việc duy nhất ngoài ngủ bạn có thể làm là lắng nghe những câu chuyện tứ phương được kể bởi những hành khách trên tàu một cách thụ động (hoặc chủ động). Những câu chuyện đấy có vài phần rời rạc bởi rung lắc và tiếng bánh xe sắt va vào đường ray, đôi khi rơi vào cái kết lửng lơ bởi tàu đã tới trạm. Và đó cũng là lúc bạn nhận ra, thời gian đã trôi qua lâu như nào, bản thân cũng đã vừa lướt qua bao nhiêu nhân tình thế thái của cảnh vật bên ngoài.

 

Những nhân vật trong nlbw, dù thoáng qua cũng đều có một câu chuyện. Câu chuyện của riêng họ, hoặc câu chuyện của người này lại liên quan đến một câu chuyện khác. Cá nhân t cảm thấy rất thú vị, khi mà sự liên kết đó được ẩn ý không phải thông qua lời thoại mà lại thông qua những cảnh quay – thứ “ngôn ngữ” thuộc về riêng bộ môn nghệ thuật phim ảnh, và nlbw đã làm được điều đó rất tốt. Ví như cảnh Mã Khôi khi chở Mã Kiện lúc còn nhỏ đến cô nhi viện, ông có dừng xe xoay người lại. Vốn t tưởng là để thể hiện chính bản thân Mã Khôi cũng không muốn cho đứa trẻ nhặt được này đi, nhưng sau mới biết, bởi ông cảm nhận được có người đang theo dõi mình. Hoặc cách nlbw thể hiện thời gian trôi qua, không chỉ bằng những màn hình đen và con số trắng, hay bằng cách để nhân vật nhắc đã bao nhiêu năm trôi qua. nlbw thể hiện mạch thời gian nằm ngang 40 năm ấy thông qua cảnh vật bên ngoài của khu tập thể đường sắt nhà Uông Tân, bằng cây đào cạnh bể nước chung của khu tập thể, bằng cảnh sắc chuyển từ đông sang hè, từ hè sang đông trên chuyến tàu. Bằng sự thay đổi trong vẻ ngoài của nhân vật, như trang phục của Mã Yến, sự lớn lên từ cậu nhóc chập chững đến cậu bé mập mạp Mã Kiện, hay thoáng lúc nào còn tìm cách giúp Thái Tiểu Niên có đủ 8 cái xe đạp Phượng Hoàng để cưới vợ, giờ con trai cậu ấy đã được một hai tuổi rồi. 

 

Cách đẩy cao trào thông qua hình ảnh cũng được nlbw làm rất tới. Ví dụ như cảnh trong tập 18, khi đuổi theo kẻ buôn ma túy đến nhà một người dân. Không cần nhạc nền quá gấp gáp, không cần quá nhiều cảnh quay chậm, chỉ cần ba điểm Mã Khôi ngoài cửa ra vào – tên buôn ma túy đứng cách ông một tấm cửa gỗ – tay của Uông Tân đang muốn trèo qua bờ tường để đi vào. Giữa ba điểm quay đấy, đạo diễn đột ngột cho xen cái nghiêng đầu tĩnh lặng của con dê nhà nuôi – “người” chứng kiến toàn bộ khung cảnh hồi hộp kia. Cảm xúc của người xem được đẩy lên từ từ, ngày càng nhanh khi tên buôn ma túy nhìn thấy tay của Uông Tân đang bám vào tường và sẵn sàng chĩa súng bắn ngay khi anh ta thò đầu lên. Thì ánh mắt trong veo và cái nghiêng đầu của con thú vô tội kia giống như một cái thót tim ngừng lại của người xem trong quá trình theo dõi, cho đến khi họ thở phào nhẹ nhõm vì Uông Tân đã được Mã Khôi kéo xuống kịp thời.

Mặt thẩm mỹ cũng được nlbw làm rất tốt. Dù là không gian rộng như khu tập thể đường sắt, quảng trường Hồng Dương, hay cánh đồng cỏ nơi Uông Tân và Mã Khôi nấp rình kẻ trộm thanh chốt đường tàu – cho đến những không gian nhỏ hơn như phòng khách nhà Uông Tân, phòng ủy ban lãnh chứng kết hôn, hay những tiệm tạp hóa nhỏ. Những phân cảnh lớn như đám cưới Uông Tân Mã Yến, hay những phân cảnh nhỏ như lúc Mã Khôi xé tờ tự thú của Uông Vĩnh Cách, đều được chăm chú và dựng lên đẹp vô cùng. Cảm giác cap bừa trong phim cũng ra một cảnh đẹp ấy. Góc quay chỉn chu không chút dư thừa, màu sắc được điều chỉnh vừa phải, không tạo cảm giác vàng khè mà vẫn đủ sự cũ kỹ của một quãng thời gian cách hiện tại cả nửa thế kỷ, vẫn gần gũi và ấm áp. 

 

Tuy nhiên, việc cố gắng cân bằng hai yếu tố phá án và đời sống, lại gây nên sự quá tải và tham lam tình tiết của biên kịch, dẫn đến nhiều chi tiết thành thừa, nhiều chi tiết lại bị thiếu. Những vụ án, đặc biệt là 4 án lớn xuyên suốt bộ phim – bao gồm án móc túi chuyên nghiệp, án buôn người, án ma túy và án giết người để lại ký hiệu ngón tay. Bốn án lớn này đều được mở đầu đầy hấp dẫn, có kéo ra những tình tiết cao trào, tạo dựng những hint cho người xem tò mò. Nhưng cả 4 án này đều được xử lý rất qua loa, ví như án móc túi được giải quyết chỉ qua cách khiến một kẻ mắt xích trong đường dây đó mềm lòng, thế là cả đường dây chuyên nghiệp bị tóm trong năm phút. Hoặc như án ngón tay út, đi vào bế tắc tưởng chẳng phá được, cuối cùng hình như được sinh ra chỉ để nói về sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật sau này. Có chăng án ma túy thì tạo được một chút hồi hộp cao trào.

 

Yếu tố phá án bị qua loa, nhưng drama cuộc sống thì lại quá nhiều. Bác Đường hình như rất yêu thích việc tạo ra drama tình yêu ba người. Trước là giữa Diêu Ngọc Linh – Uông Tân – Mã Yến, sau lại đến Ngưu Đại Lực – Diêu Ngọc Linh – Giả Kim Long. Dường như thấy chưa đủ, bác còn dành cả gần hai tập để lặp lại motip ba người lên Mã Khôi – bác sỹ Thẩm – Lục Minh (vâng, bác sinh ra cả một nhân vật mới chỉ để tạo nên một tam giác yêu đương mới nhằm giải quyết vấn đề tình cảm của Mã Khôi và bác sĩ Thẩm). Điều này thật sự không cần thiết, chưa nói đến cách kể chuyện của biên kịch đối với tuyến yêu đương thật sự rất nhạt =))) motip tay ba này lúc đầu có thể còn thú vị, nhưng càng về sau càng thành dài dòng nhàm chán.

Một điều nữa dễ khiến kịch bản của nlbw trở thành gây tranh cãi, và ừ nó có tranh cãi rồi, đấy là cách xây dựng các nhân vật nữ và cái kết dành cho họ. Đồng ý rằng bộ phim chủ yếu xoay quanh mối quan hệ của thầy trò Mã Khôi – Uông Tân gắn với sự phát triển của ngành đường sắt, nên các nhân vật nữ trong phim cũng không đòi hỏi sự nổi bật làm gì. Song, thà rằng hãy để họ mờ nhạt như Vương Tố Phương (vợ Mã Khôi), đằng này kịch bản lại để họ mang những hình ảnh không mấy hay ho. Ví dụ như Diêu Ngọc Linh chỉ ham vật chất và hư vinh, thậm chí còn “trà xanh” từng muốn “đào góc tường” chen vào quan hệ của Uông Tân và Mã Yến, sau này kết thúc thành một người bán thịt xiên. Hay một Mã Yến rõ ràng rất mạnh mẽ hào sảng, nhưng đến 40 tuổi vẫn phải hỏi xin bố để được tự mình kinh doanh (dù trước đó chị Yến cũng đã lén lút làm rồi và thành công, nhưng để đổi cái gật đầu của bố chị vẫn phải có sự góp lời của Uông Tân).

 

Có ưu có khuyết, nhưng việc trải nghiệm một tháng cùng nlbw với t vẫn trọn vẹn và cảm xúc vô cùng, hoàn toàn không bị chút drama nào bên ngoài tác động, phần lớn nhất thuộc về sự thể hiện từ tròn trịa đến vô cùng xuất sắc của tất cả các diễn viên, từ vai chính đến phụ đến quần chúng qua đường. Bộ phim quy tụ nửa dàn thực lực và lão hí cốt của giới Tàubiz, những gương mặt từng được vang lên trong các buổi trao giải lớn chính thức và uy tín, những gương mặt từng góp trong những bộ phim tên tuổi của nước láng giềng :vv dàn thực lực và lão hí cốt trong phim diễn thật sự quá tuyệt vời đi, từ vai Mã Khôi của thầy Đinh Dũng Đại với từng biến hóa trong phát triển cảm xúc nhân vật qua mỗi giai đoạn, đến cả vai Bành Minh Kiệt được xây dựng chán hơn cả vai mấy thím mấy dì trong khu nhà Uông Tân, mà thầy Vương Kính Tùng cũng diễn đầy xúc động. Có lẽ chính nhờ sự dẫn dắt của dàn lão làng, cũng như dẫn dắt của đạo diễn và biên kịch tên tuổi, nên dàn diễn viên trẻ cũng đạt được trạng thái diễn xuất tốt nhất. Ai cũng hoàn thành vai diễn của mình tốt lắm, hoàn toàn vẽ ra bầu không khí của thời đại cũ đấy, không hề có ai là “người hiện đại” xuyên không về.

 

nlbw không thiếu nhất chính là những phân đoạn ấm áp và cảm động. Người cạy thanh chốt đường tàu sau khi cải tạo ra trở thành ông chủ một quán ăn, cậu trai trong đường dây móc túi kia sau khi ra tù thành một công nhân may trong nhà máy dệt. Giống như Uông Tân nói với Mã Yến, “thành tựu lớn nhất với cảnh sát bọn anh là chỉ cho những phần tử tội phạm nhận ra lỗi sai và khiến họ biết làm lại từ đầu.” Nhiều người sẽ cảm giác đây là sự lý tưởng hóa đẹp đẽ hóa một cách quá đà, hay là “cái cringe của phim dâng Đảng Tàu”. Nhưng nlbw không phải là bộ phim trinh thám hình sự, yếu tố gia đình, nhân văn cũng như tri ân và tuyên truyền của nó vẫn chiếm một nửa (thậm chí hơn một nửa) mạch truyện. Việc mong cầu về một thế giới kẻ xấu biết hối lỗi và làm lại từ đầu, thật sự thì nó không có gì sai trái cả. Những cái ôm sau khi hoàn lương, nụ cười và cái bắt tay biết ơn của những người được cảnh sát giúp đỡ, những điều này đã tạo nên một tháng đầu năm đầy ấm áp đối với t.

 

Một đoàn tàu chạy suốt 40 năm, rất nhiều hành khách lên và xuống. Có những người đi tiếp lộ trình đã chọn, có người rẽ hẳn sang một ngã rẽ riêng, cũng có người mãi mãi bị bùn đất quấn chân. Đoàn tàu và đường ray giống như dòng thời gian, cuốn đi tất cả, mang những điều phù hợp với thời đại tiếp tục gìn giữ và phát triển, bỏ lại những điều không còn thích hợp nữa. Cuối cùng, xin mượn lời chia tay của thầy Đinh Dũng Đại (vai Mã Khôi) và Bạch Kính Đình (vai Uông Tân) thay cho lời kết.

 

“Chúc cho mỗi hành trình của các bạn luôn thượng lộ bình an, ngập tràn hạnh phúc.”Bạch Kính Đình.

“Mong rằng tia nắng của hạnh phúc sẽ luôn rọi chiếu trên mỗi bước chân của bạn, dù cho bạn có đi tới đâu, vào nam hay ra bắc.”Đinh Dũng Đại.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.