[Trans || 2018.12.10] Tống Dật: Tôi không phải người biết nói chuyện ngọt ngào, tôi biết.

 

Cái “chuông vàng” này, tôi đã cố gắng phá vỡ nó. Nhưng xin lỗi, dù tôi có thể phá vỡ nó đi chăng nữa,
tôi cũng không thể trở thành một con người khác.

 

“Chào mọi người, tôi là Tống Dật, cung Thiên Yết, nhóm máu A, cao 1m68, nặng 47 cân.”

 

Sau khi chung kết 《Tôi là diễn viên》 kết thúc, lúc được bảo “Hãy tự giới thiệu bản thân một chút” khi ở trong phòng chờ, diễn viên Tống Dật đã nhìn thẳng ống kính và nói như trên. Trong chốc lát, phóng viên không biết phải nói tiếp như nào, không khí ngưng đọng vài giây, Tống Dật nghiêng đầu cười nói, “Hết rồi.”

 

Viền mắt cô ấy vẫn còn đỏ, suốt sáu bảy tiếng đồng hồ ghi hình kia, cô ấy đã khóc quá nhiều. Từ lúc diễn 《Thế giới bình phàm》 đã bắt đầu khóc, khóc đến lúc nghe các cố vấn nhận xét, rồi tới khi khán giản bắt đầu bỏ phiếu và nói lời tạm biệt. Vừa ổn định một chút, một đợt sóng cảm xúc lại trào lên. Đỉnh điểm là lúc Lưu Thiên Trì nói với cô ấy, trước rất nhiều người xem chương trình, Tống Dật, em phải kiên trì, giữ gìn thiện lương, giữ gìn sự chân thật này. Mấy chữ như vậy, cô nương trên sóng truyền hình mếu máo, nước mắt như hạt ngọc, giọt lớn giọt nhỏ chảy xuống, tự ôm chặt lấy cánh tay, gật đầu mãi.

Từ năm 16 tuổi, khi Tống Dật vào học tại Học viện Hí kịch Trung Ương hệ biểu diễn, Lưu Thiên Trì đã dẫn dắt, dạy dỗ cô ấy, nhìn xuyên suốt chặng đường của cô nương nhỏ “miệng không biết nói lời ngọt” này. Lưu Thiên Trì quá hiểu Tống Dật, cho nên câu nói kia chỉ là một lời dặn dò, không có hàm ý gì sâu xa. Tống Dật không kịp phản ứng, chỉ có thể bật khóc.

 

 

Cố vấn Ngô Tú Ba cũng nhận xét: “Trong suốt chặng đường, đối diễn với các diễn viên rất mạnh khác, bạn cũng chưa bao giờ bị che lấp.” Cố vấn còn chỉ ra một chuyện nữa, trên sân khấu 《Tôi là diễn viên》, các vai diễn của Tống Dật đều mang tính “phụ trợ”, dịu dàng, thê lương, hoặc là vị tha vô tư, yên lặng nhẫn nại, tóm lại, đều không phải những vai có quá nhiều khí phách hay hào quang nhân vật chính đáng nói.

 

 

“Nữ hai, nữ ba thì sao đâu.” Tống Dật không trốn tránh hay chỉ trích vấn đề này, đưa cô ấy vai diễn gì, cô ấy sẽ diễn vai đó. “Tôi luôn muốn bạn diễn chung diễn tốt hơn mình. Tôi thích diễn cùng người diễn tốt hơn, bởi tôi nghĩ nếu người đó ‘sập’, thì tôi cũng không thể bay được.”

Kết thúc hành trình 《Tôi là diễn viên》, bây giờ là 2 giờ 50 phút đêm, phòng hóa trang của cô ấy đã dọn dẹp xong, chúng tôi ngồi đối diện nhau, bắt đầu tâm sự. Một Tống Dật luôn “nơm nớp lo lắng” mà Lưu Thiên Trì nói, giờ đây kể lại toàn bộ hành trình một cách lưu loát, bình tĩnh, cái gì cần nói sẽ nói. Phần cổ tay gầy gầy lộ dưới tay áo, khiến người khác cảm thấy cô ấy có phần xa cách không dễ thân thiết, nhưng nhìn bình nước giữ nhiệt màu tím in hình công chúa của cô ấy, giống như đang kéo cô gái xa như pháo hoa này gần lại một chút.

 

Dưới đây, là tự thuật của Tống Dật.

 

Tống Dật trong tiết mục “Mai Lan Phương”

 

Tống Dật: “Tôi chưa bao giờ tỏ ra yếu đuối. Vào lúc càng suy yếu nhất, càng không bộc lộ.”

Người trả lời: Tống Dật

Phỏng vấn, biên tập, biên soạn: Lữ Ngạn Ni

 

1.

Hôm nay tôi đã khóc rất nhiều.

 

Bình thường, tôi không phải người mau nước mắt đâu. Đồng nghiệp của tôi cũng chưa từng nhìn thấy tôi lén lút khóc bao giờ. Trừ đóng phim, tôi sẽ không khóc. Nếu muốn khóc, tôi cũng không phải kiểu người sẽ nói “Để tôi khóc cho mà xem.”

Thực ra lúc nãy ở trên sân khấu, tôi không buồn, nhưng nước mắt cứ trào ra, mọi người lại cảm thấy “Nhìn cô ấy kìa, trông thương quá.” Tôi không muốn mọi người nghĩ thế, vì tôi thật sự không cảm thấy khổ sở gì cả, tôi đang rất vui mà.

 

Mỗi lần tới 《Tôi là diễn viên》, tôi đều cảm thấy lần này nhất định mình sẽ bị loại rồi. Bởi vì vòng đầu tiên của tôi diễn ra không thuận lợi, cho nên tâm lý cũng bị tác động.

 

Vòng đầu tiên diễn xong《Bậc thầy thôi miên》, tôi cảm thấy rất bối rối, “Tại sao lại thành như này?” Sau lần đó, tôi không bao giờ nghĩ đến sân khấu này nữa. Sau khi rất nhiều người bầu cho tôi phiếu “hồi sinh”, tôi mới cẩn thận suy nghĩ, thỏa mãn yêu cầu của người xem là điều quan trọng nhất, có phải không (khóc), xin lỗi, gần đây tôi hơi nhiều nước mắt.

Sau khi “hồi sinh”, tôi hoàn toàn chấp nhận mọi vấn đề phát sinh trên sân khấu, đánh giá hay yêu cầu gì, tôi cũng sẽ tiếp thu hết. Trong lòng tôi ngày càng hiểu rõ, việc diễn xuất, vốn dĩ không có đúng hay sai, cũng không có thước đo, cũng không có cho điểm đánh giá. Dù tôi bị điểm thấp, cũng chỉ có thể nói, vào lúc ấy, người dưới khán đài đang đánh giá người khác trên sân khấu cao hơn tôi, chứ không phải hoàn toàn là do tôi làm không tốt.

 

Sau vòng PK thứ nhất bị loại, tôi từng đặt câu hỏi về phong cách diễn xuất của bản thân, tôi cảm thấy phong cách của mình không hợp loại sân khấu như này lắm, có lẽ do tôi khá là ôn hòa – các cố vấn cũng đều đánh giá tôi như vậy. Tôi rất tình nguyện hợp tác với người khác, tôi là kiểu sẽ nói “Được, có thể.” Kiểu người này, bạn sẽ nói tôi không có chính kiến, không có khả năng bùng nổ, thực ra không phải.

Tôi chỉ là không muốn trong mười phút diễn này, nhất định phải “đánh bại” đối phương, tôi không có suy nghĩ này. Diễn xuất nhất định là phải phối hợp với nhau, làm nổi bật lẫn nhau, nếu cứ tôi đề phòng anh, anh xem chừng tôi, tôi phá chiêu của anh, anh lại ra chiêu mới, tôi lại phá,… Diễn xuất không có sự tin tưởng, không có cảm giác an toàn, đều rất vô nghĩa.

Ý nghĩa thật sự của “so chiêu” cho nhau cảm giác an toàn, tin tưởng sinh ra trong mối quan hệ giữa các nhân vật.

 

Tới bước này rồi, không thể nói là bản thân không muốn ở lại tiếp tục. Vậy muốn thi tiếp đến đâu? Nhìn xem, ở nhà cũng có thể diễn mà, rời đi thôi, đâu nhất định phải có tâm lý chiến thắng chứ, đúng không… À không phải, không phải là tâm lý chiến thắng, nên nói như nào nhỉ? Đó là một cảm giác đặc biệt, một cảm giác chỉ khi đứng trên sân khấu, bạn mới có thể hiểu được.

Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi xin nghỉ với đoàn phim. Thật sự rất khó xin nghỉ, tôi mới nghĩ, “Được rồi, nốt lần này, kể cả có được vào vòng tiếp theo mình cũng xin rút khỏi chương trình.” Thật đấy, rất khó để xin nghỉ ở đoàn phim, nhưng khi đứng trên sân khấu, đã diễn xong, chờ nhận xét của mọi người, sau đó nghe công bố bản thân được thêm điểm đi tiếp, tôi không còn muốn rút khỏi chút nào. Khi đấy, tôi nghĩ, “Mình nhất định phải diễn tiếp, cho dù xin nghỉ phép khó thế nào, cũng phải diễn tiếp.”

Rất nhiều lần như thế, tôi ôm chắc tâm lý kiểu gì cũng thua rồi đứng trên sân khấu, sau đó, nghe thấy các cố vấn gọi tên tôi.

 

Các nhân vật Tống Dật đã diễn trong “Tôi là diễn viên” – pic 5-1 đến 5-5

 

Nhậm Tiểu Nghiên trong 《Bậc thầy thôi miên》, Tả Lam trong 《Tiềm ẩn》, con gái của Kiều An Sơn trong 《Ngày rời Lôi Phong》, Mạnh Tiểu Đông trong 《Mai Lan Phương》, Điền Nhuận Diệp trong 《Thế giới bình phàm.》 Đây là những vai diễn của tôi trong 《Tôi là diễn viên.》Mỗi lần diễn, tôi chỉ có một ngày để chuẩn bị và luyện tập, trong thời gian ngắn nhất tôi phải tìm được đặc điểm cốt lõi của nhân vật này, cách nói năng, thói quen, mỗi phương diện này phải tìm được điểm mấu chốt để tạo nên sự biến hóa. Đây là thu hoạch lớn nhất của tôi sau chương trình.

Chương trình đã giúp tôi học cách nhanh chóng điều chỉnh bản thân trước áp lực lớn, đối mặt với những chất vấn và những tình huống có thể khiến bản thân thấy xấu hổ, đồng thời rèn luyện cho tôi khả năng đối mặt với chúng.

 

“Bạn có điều gì muốn nhắn gửi tới mọi người?” là câu hỏi khó khăn nhất đối với tôi mỗi lần đứng trên sân khấu. Thật sự là tôi không có gì muốn nói cả. Hoặc ngay cả khi có cảm xúc đặc biệt nào đó, thì tôi cũng không muốn bộc lộ theo cách này. Tất cả những gì muốn bày tỏ tôi đều đã thể hiện qua phần biểu diễn rồi, tôi nghĩ thế đấy.

Tôi cảm thấy rất kỳ lạ, cậu có để ý không? Không biết vì sao, hôm nay, tất cả các cố vấn khi nhận xét tôi đều nói “Đây là một cô gái nhỏ, rất đơn thuần, rất đáng yêu…” Tôi nghĩ, tôi đã 29 tuổi rồi không phải sao? Ừ, tôi cũng có thể là một cô nương, nhưng giống như mọi người không nghĩ tôi đã là một người trưởng thành vậy. Cậu có thấy thế không? Từ lúc bắt đầu đã hay gọi tôi là “cô nương nhỏ”, “cô gái nhỏ”. Tôi cũng không phủ nhận, cũng không yêu cầu nào khác, cô gái nhỏ cũng đâu có gì xấu đâu, dễ thương mà. Một cô gái sắp 30 tuổi vẫn được gọi là “đứa nhỏ”, tôi cũng vui lắm, chỉ là tôi cảm thấy… hôm nay mọi người đều gọi tôi là “cô gái nhỏ rất đơn thuần, rất đáng yêu”, câu này không phải nên dành cho Lý Lan Địch à?

Có lẽ tôi cảm thấy hơi lúng túng như vậy, bởi tôi không muốn người khác nghĩ tôi yếu đuối. Tôi cũng chưa bao giờ tỏ ra yếu đuối cả. Càng yếu đuối, khí thế thể hiện ra lạ càng không được yếu đuối.

 

 

2.

Là một Thiên Yết, tôi nghĩ đặc điểm tính cách khiến tôi tự hào nhất là dám yêu dám hận. Có người sẽ không dám yêu dám hận một cách thẳng thắn, nhưng tôi là người có thể như thế. Tôi là kiểu người sẽ rất rạch ròi chuyện trắng đen, thậm chí còn sẽ thể hiện thẳng trên mặt. Cái này tôi thích hay không thích, chỉ cần nhìn mặt tôi là đọc ra được, chưa cần phải hỏi.

 

 

Hồi 《Thời đại lập nghiệp》 phát sóng, trên mạng có cái “Tống Dật giận dỗi trả lời netizen”. Tôi nghĩ tôi không “giận dỗi”, tôi chỉ trả lời cô ấy. Nếu cô ấy nói với nhân vật của tôi, “Sao cô ghê tởm thế hả Wendy…”, tôi sẽ không trả lời gì cả. Nhưng cô ấy lại nói với tôi, “Sao cô không đi chết đi?”, nên tôi đã trả lời, “Quý cô ơi bạn có thể chọn không xem mà”, kèm thêm emoji “tạm biệt”, tôi thấy vậy còn chưa đủ.

Liên quan đến bộ phim kia, lý do có cuộc tranh luận sôi nổi trước đó là gì? Đúng là tôi khá tức giận khi người ta đem diễn xuất của tôi so sánh với Baby, cái này không thể so được, nếu gượng ép đem hai nữ diễn viên so sánh một cách vụng về, chỉ khiến hai diễn viên đó bị tổn thương thôi. Tôi và cô ấy đều không tệ, cho nên việc này khiến cả tôi lẫn cô ấy đều ngại ngùng, tôi không thích như thế. Còn có netizen nói tôi khoe mẽ, lúc ấy tôi cảm thấy rất buồn cười, ai lại đi khoe mẽ rõ ràng như thế? Có phải bị ngốc đâu.

Nhưng câu nói kia, với tư cách là một người của công chúng, đó là điều buộc phải chấp nhận.

 

 

Ban đầu, tôi không định đóng nhân vật Wendy này, tôi đã từ chối nhưng rồi xác nhận đóng chỉ trước khi khai máy một ngày. Tôi đã trải qua một thời gian khá dài tự hỏi, tôi sắp kết thúc hợp đồng với một công ty, cũng đã đóng liên tiếp rất nhiều vai mật vụ, tôi rất muốn thử diễn một nhân vật khác đi, vậy nên tôi đã thử.

Diễn viên khi diễn một nhân vật, dù nhân vật đấy tốt hay xấu, chúng tôi đều sẽ bảo vệ nhân vật. Trong truyện, Wendy là một cô gái rất mạnh mẽ, rất quyến rũ, rất giỏi lấy lòng người, cũng rất giỏi gây sự, cậu thấy tôi không chỉ diễn ra như vậy đúng không? Tôi sẵn sàng để cô ấy làm ra những việc mà về mặt đạo đức sẽ không được mọi người chấp nhận. Bởi nếu cô gái này vì một lý do gì đó mà làm ra những việc trái đạo đức như thế, tôi sẽ nguyện ý để lý do của cô ấy là vì tình yêu, chứ không phải vì tiền bạc. Đây là cách tôi bảo vệ Wendy.

 

Nói nghiêm túc thì tôi cũng không thích cô gái như Wendy lắm. Cô ấy không giống tôi, tôi thường xuyên nói với mọi người trong tổ diễn viên, nếu đối thành bản thân tôi, tôi sẽ không mở cửa cho Quách Hâm Niên, tôi cũng sẽ không cãi cọ, càng không lôi kéo bạn trai vào lúc nửa đêm nói “Em sẽ sa thải cái người kia trong công ty anh”… Tôi thật sự không thích diễn những cảnh cãi cọ đó, Wendy cứ con dao nhỏ chọc chọc người yêu cô ấy vậy, lúc nào cũng cằn nhằn. Nhưng đây là phim truyền hình, nội dung là quá trình dựng nghiệp của một người đàn ông, tôi cũng không còn cách nào khác biến Wendy thành một “vai diễn đồ vật”, tôi chỉ có thể hạ thấp tính cách “chọc ngoáy”, “như một con dao nhỏ” này xuống, để mọi người không chú ý đến.

 

 

 

Tống Dật viết trên weibo: “… Là một người đóng vai nhân vật này, muốn có đôi lời chia sẻ đến với những người xem phim. Wendy tuyệt đối không phải người tốt theo quan điểm thẩm mỹ truyền thống của phim ảnh, cô ấy chắc chắn cũng không phải tội nhân trong xã hội thực tế. Logic ứng xử của cô ấy có thể đúng có thể sai, có thể được thương hại có thể bị phỉ nhổ, nhưng mỗi khi đắp nặn xong một nhân vật, tôi luôn muốn mang đến một số suy ngẫm cho người xem và cho chính mình. Có lẽ, quan điểm của Wendy trong tình yêu và công việc đối với bạn là một loại giáo án tiêu cực, nhưng nếu nó mang đến sự cảnh giác và suy ngẫm trong đời sống hiện thực, thì sự tồn tại của nhân vật này vẫn có ý nghĩa và giá trị. Cảm ơn mọi người đã quan tâm.”

 

Tôi nghĩ sau này, tôi chắc chắn sẽ không can thiệp vào sự nghiệp của bạn trai mình. Tôi không muốn kiểm soát ai, cùng lắm tôi chỉ muốn cậu ấy sẽ dành nhiều thời gian với tôi hơn. Đến sự nghiệp của chính mình tôi còn không muốn quản lý quá nhiều, chứ đừng nói là làm bất cứ điều gì để chiến thắng.

Không cần tranh cãi, không phải là tôi “không cần”, nếu giờ ai cho tôi một cái giải Kim Mã dĩ nhiên tôi sẽ vui rồi. Cái tôi muốn nói ở đây là, tôi không muốn “tranh giành” hay “cướp đoạt” với người khác.

Khi tôi nói “không cần”, nghĩa là ví dụ như cậu cho tôi một cái kịch bản, phân cho tôi một vai diễn, tôi sẽ diễn vai đó. Cậu xóa lời thoại, xóa cảnh diễn của tôi, tôi cũng không để tâm, tôi diễn tốt việc của tôi là được. Người này muốn thì người kia cũng muốn, mọi chuyện sẽ thành một vòng luẩn quẩn. Tôi không thích điều đấy, thời gian có hạn thôi, nên làm gì có ý nghĩa thì hơn.

 

 

Vốn dĩ, tên tôi cũng không phải Tống Dật. Hồi nhỏ tôi hay ốm đau, năm bốn tuổi đi học tiểu học, gần như cả năm đó tôi đều nằm viện. Mọi người trong nhà mới đổi tên tôi thành một cái tên cảm giác mạnh mẽ, tên cũ của tôi nghe mềm mại hơn nhiều.

Gia đình tôi có những yêu cầu rất nghiêm khắc, muốn tôi phải vượt trội hơn người khác. Khi học cấp 2, tôi học cùng lớp với anh họ, áp lực lắm, mỗi lần có điểm cả nhà tôi sẽ mang bài thi của chúng tôi ra so. Anh tôi là kiểu người sẽ bật khóc nếu chỉ đạt hạng ba, anh ấy chỉ chấp nhận hạng nhất, cho nên rất đáng sợ. Tôi chưa từng vượt qua được anh ấy, cả đời này cũng không có khả năng vượt qua được.

 

Trước khi vào cấp 3, tôi học Văn rất tốt, lần nào viết bài cũng được giáo viên đọc làm mẫu trước lớp. Tôi lúc đó rất thích viết, hai mươi phút là viết xong một bài luận dài, cực kỳ nhanh.

Có một thời gian, tôi cực kỳ thích Tiền Chung Thư, thích cách sử dụng ngôn từ mỉa mai châm biếm của ông ấy, tôi còn bắt chước theo văn phong của ông ấy. Có một thời gian, việc viết văn theo lối sử dụng từ cổ rất phổ biến, tôi cũng viết rất nhiều, nhưng giờ thì không nhớ được nữa.

 

Từ nhỏ, tôi đã là một người rất trầm tính, trầm đến mức kỳ lạ. Bởi vì người trong nhà quản lý quá chặt, quá nhiều quy định, chẳng hạn như tan học không được đi chơi, phải về nhà ngay. Trước khi tốt nghiệp cấp 3, tôi chưa từng một mình đi chơi cùng bạn bè, chưa bao giờ cả. Ở nhà, ăn cơm như nào, uống nước như nào, đi đứng như nào, ngồi xuống như nào, cũng đều có quy định cả.

Cho nên, tôi chưa bao giờ thích thể hiện bản thân, luôn cảm thấy cuộc sống rất nhàm chán rất đơn điệu. Nhưng tôi cũng cảm giác, sau này, tôi sẽ không chấp nhận việc bản thân sẽ làm công việc văn phòng bình thường sáng đi chiều về. Mỗi lần xem các chương trình trên TV, tôi đều cảm thấy bị thu hút.

 

Khi đó tôi nhận ra, tôi thích được biểu diễn trên sân khấu.

 

Tầm năm ngoái, có một lần về thăm nhà, trong lúc ăn cơm, ông ngoại tôi bảo bây giờ ông cảm thấy tôi rất giỏi, rất xuất sắc, sự nghiệp cũng tốt đẹp, có thể nuôi gia đình rồi: “Ôi, nhưng đúng là không nghĩ tới thật… trước kia ông luôn nghĩ con làm giáo viên trung học sẽ rất tốt…”

 

 

3.

Hôm nay trên sân khấu, khi cô Lưu Thiên Trì nói với tôi những lời ấy, tôi rất ngạc nhiên, bởi cô chưa từng nói riêng như vậy với tôi, cô thật sự hiểu tôi.

 

Tôi chưa bao giờ là một người biết nói chuyện ngọt ngào, tôi biết. Không thích giao du, không biết lấy lòng người khác, là người luôn kết thúc chủ đề trong mọi cuộc nói chuyện.

Có thể do ảnh hưởng từ tính cách hồi nhỏ, hồi đó tôi không thích nói chuyện, người nhà bảo tôi gọi “dì ơi”, “chú ơi”, tôi đều thấy rất khó khăn, gọi xong là bỏ chạy.

 

Trước kia, có lần tham gia một bữa tiệc tối, tôi ngồi im một chỗ cả buổi hôm đó, đến tận lúc ra về, cũng không có ai đến chào hỏi. Cấp trên của tôi đánh giá tôi nguyên văn như này, “Tống Dật, em như có một cái chuông vàng úp bên ngoài vậy, trên đấy viết, ‘người sống đừng lại gần, tâm tôi đã định rồi.’”

Trong hoàn cảnh như bữa tiệc đó, không phải là tôi cảm thấy không cần thiết, mà là việc xã giao rất mệt mỏi. Hai người không quen biết ngồi cạnh nhau, bắt đầu tìm đề tài chung, cậu phải tiếp thu những câu chuyện của đối phương, không hiểu họ nói gì sẽ thấy rất xấu hổ, cũng không biết “vùng cấm” của đối phương là gì để không vô ý nhắc tới… Một bàn đầy người ngồi, bảo tôi khuấy động không khí, tôi cảm thấy mình xong luôn rồi.

 

Làm diễn viên nhất định phải biết xã giao à? Nếu không biết xã giao, sẽ không hợp làm diễn viên nữa?

Diễn viên phải có cảm giác thần bí, phải có cảm giác như cô độc, nếu cậu thể hiện quá nhiều trong các buổi tiệc, KTV, quán bar cũng không tốt. Trong “Mai Lan Phương” có câu thoại, “Nếu ai đó phá hủy một phần sự cô đơn của Mai Lan Phương, cũng chính là đang phá hủy Mai Lan Phương rồi.”

 

Tôi đã suy ngẫm về việc bản thân quá khép kín và gây ra hiểu lầm như nào, “Tống Dật là như thế đấy, cổ chẳng muốn giao tiếp hay kết bạn gì đâu”. Nhưng thật ra tôi không phải người như vậy, tôi có mở lòng, nhưng bề ngoài tôi lại như đang thu mình lại.

Tựu chung, quả thực hồi đầu tôi luôn lảng tránh việc phải xã giao, nhưng hiện tại tôi dần thay đổi rồi. Nếu thấy phù hợp thì cứ mở lòng, tôi tự nói với bản thân rằng đây là yêu cầu của công việc. Nhưng tôi không biết mình có thể làm được bao nhiêu.

 

 

Làm sao tôi có thể thu mình hoàn toàn được? Những gì tôi đã diễn là cho khán giả xem, trừ phi có thể trở thành một “nghệ thuật gia ẩn dật”, trú ẩn ở nơi rừng núi xa xôi, tự nghiên cứu quan điểm nghệ thuật của bản thân. Nhưng tôi không phải người như thế.

Tất nhiên, một nghệ sĩ thật sự cũng sẽ có cái gọi là “trạng thái tinh thần.” “Đóng cửa” hay “mở cửa” đều không quan trọng, giống như tu ở chùa hay ở nhà đều không quan trọng, quan trọng là tâm lý của cậu như nào.

Đối với những thay đổi của bản thân, tôi cũng phải thiết lập sự khống chế nhất định, tạo ra khu vực an toàn cho mình thoải mái đi qua đi lại. Ví dụ như lúc này tâm trạng tôi đang rất tốt, rất muốn đi giao lưu một chút, ra ngoài nhìn thấy vị đạo diễn nào đó, tôi có thể đứng lại nói chút chuyện phiếm. Nhưng nếu hiện tại tâm trạng tôi đang không bình tĩnh, tôi sẽ không nói gì cả.

 

Tôi biết trên người tôi có “gai”, rất dễ đắc tội với người khác, không đủ khéo léo, khi tức giận còn dễ “nổ tung.”

Nhưng cậu biết không, tôi từng diễn vai một người phụ nữ chua ngoa, mọi người đều nói tôi diễn vai đó không tốt, không giống. Trên người tôi dường như thiếu cái sự cởi mở vô tư vô tâm đó. Giống như khi diễn những vai diễn đời thường, tôi đều cố gắng hạ mình xuống, tiến tới gần nhân vật hơn, nhưng tôi lại không diễn ra được sự chân thực của phố phường thế tục. Thế này có bị gọi là công kích người khác không nhỉ, tôi không công kích ai đâu, tôi chỉ đang ngẫm nghĩ về cách diễn của bản thân thôi.

 

Cho nên, mọi người bảo tôi quá khép mình, sẽ khiến các chàng trai ngại đến gần tôi. Những người dễ có bạn trai, trên người họ luôn có cảm giác khiến người ta muốn tiến lại. Còn với Tống Dật người ta chỉ xua tay, bảo cô ấy đi đi, đừng có tới gần.

 

Cái “chuông vàng” này, tôi đã cố gắng phá vỡ nó. Nhưng xin lỗi, dù tôi có thể phá vỡ nó đi chăng nữa, tôi cũng không thể trở thành một con người khác.

 

 


Phỏng vấn sau khi kết thúc chương trình 《Tôi là diễn viên》 vào năm 2018 của Tống Dật

Cre: https://weibo.com/ttarticle

Trans: Kel

Vui lòng không reup bản dịch.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.