[Đây không phải review] Trường Phong Độ, niềm tin vào ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ và lý tưởng của Mặc Thư Bạch

Lâu lắm mới đọc một bộ truyện, không chỉ khiến mình cảm thán hay xót xa với mỗi tình tiết, diễn biến xoay xung quanh nhân vật, mà còn khiến mình phải suy nghĩ không ít: về thời cuộc, về cái thiện cái ác, về sự dạy dỗ của gia đình, về niềm tin vào ánh sáng, cùng lý tưởng lẫn mong mỏi vào một đạo nghĩa chân chính luôn tồn tại trên đời.

 

“Trường Phong Độ, niềm tin vào ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ và lý tưởng của Mặc Thư Bạch.” Cái tên này đã bật ra trong đầu mình khi đọc tới đoạn cuối của chương 137.

 

“Trong nháy mắt, một ảo giác xuất hiện trước mặt Cố Cửu Tư. Hắn phảng phất thấy Phó Bảo Nguyên của tuổi đôi mươi mang theo khí phách hăng hái thời thanh xuân mà ngồi xếp bằng trước mặt mình. Khuôn mặt ông vừa kiên định vừa nghiêm túc hệt hắn bây giờ; trong lòng sục sôi khát vọng giúp đời cứu dân, từ xương tủy đến trái tim đều tràn đầy nhiệt huyết.

Ông từng hứa với trời cao, từng uống máu ăn thề, từng tuyên bố không phụ lòng bách tính thiên hạ, từng gửi gắm tình cảm sâu thẳm vào sơn hà này.

Những gì người trẻ tuổi này làm, ông cũng đã làm.

Nhưng băng giá đông lạnh máu, gió rét đông lạnh xương.

Cuộc sống là lưỡi dao tàn khốc nhất, nó có thể im hơi lặng tiếng thay đổi hoàn toàn một con người.”

 

“Nhân chi sơ, tính bản thiện.” Con người sinh ra vốn là cái hiền lành, như cái cách trong bóng tối họ sẽ luôn hướng về nơi có ánh sáng, như một bản năng tiến về nơi cao hơn, tốt đẹp hơn. Thế nhưng nhân gian quá nhiều dụ dỗ và cạm bẫy, bởi thế con người mới phải tu dưỡng bản thân để giữ gìn phẩm cách của chính mình, không thẹn với lòng, không thẹn với đời.

Mặc Thư Bạch viết, chẳng ai muốn làm kẻ xấu, chẳng ai muốn giết người. Mặc Thư Bạch cũng viết, con người ai cũng từng là bào thai ngông cuồng, cớ sao phải rơi xuống trần thế. Mặc Thư Bạch cũng viết, nếu để một đứa trẻ cũng phải ôm hận thù, thì chỉ có máu mới rửa sạch nổi. Mặc Thư Bạch cũng viết, nếu đã làm quan, thì hãy nhìn nhận tất cả là con người. Những con người bước vào đời, đơn thuần không tạp niệm. Nhưng cuộc sống lại tàn khốc, mà tâm can thì lại vốn yếu mềm.

 

Tuy nhiên, theo cảm nhận của mình, Mặc Thư Bạch không “sa đà” vào việc thiết lập quá nhiều hoàn cảnh trớ trêu của thực tại để thử thách nhân vật. Mặc Thư Bạch xoáy sâu vào những nỗi khổ sở về cái tâm, những trăn trở và hoang mang khi tín ngưỡng bản thân theo đuổi bị lung lay, khi cái đạo nghĩa bỗng chốc trở nên rẻ rúng. Con người hoảng loạn không biết chính mình nên làm gì, nên đi về đâu, và thứ kéo họ đi theo con đường nào, chính là ý chí. Lý tưởng của Mặc Thư Bạch là ở đây: “Xuất thân là điểm đặt chân, nhưng ý chí mới là thứ quyết định phẩm cách.” Con người có thể có xuất phát điểm khác nhau, thì thứ họ khát khao luôn là ánh sáng. Chỉ là trên con đường đi tới ánh sáng đó, ý chí là thứ quyết định họ rẽ lối nào cho đúng. Lối nào sẽ là gập ghềnh rồi rộng mở, lối nào là một chốc đắn đo rồi chẳng thể quay đầu.

 

Nhân vật lý tưởng

Lý tưởng của Mặc Thư Bạch, cũng là thứ tác giả bồi đắp tạo dựng cho nhân vật của mình, Cố Cửu Tư. Lại nói, nhân vật lý tưởng ở đây là gì. Hồi học phổ thông, một câu thường gặp nhất trong mọi bài văn phân tích tác phẩm đều là, “hình tượng nhân vật A là những gửi gắm, ước mong của tác giả đối với hiện thực đương thời.” Vậy nên, Cố Cửu Tư chí công vô tư, nhìn đời thẳng thắn mà sáng suốt, giữa bùn đất vẫn sáng rực như mặt trời, thực chất là cũng là ước mong chẳng có gì là sai trái hay quá đáng của Mặc Thư Bạch.

Cố Cửu Tư là một trong số ít những nhân vật trên suốt đường đọc ngôn tình và đam mỹ của mình, được xây dựng thú vị như thế. Ở Cố Cửu Tư có quyết liệt và tàn nhẫn, có mưu mô toan tính thiệt hơn. Có hòn đá tảng đã trơn nhẵn vì bị bào mòn trước những xấu xa phải chứng kiến. Có cậu công tử ăn chơi trác táng nhất thành Dương Châu, nhưng lại mơ thành hiệp sĩ rong ruổi khắp thiên hạ. Hắn khi ấy đích xác là một kẻ phá gia chi tử, lông bông chẳng được tích sự gì, nhưng chính hắn từ lúc đó đã dần nhìn thấu cuộc đời, một cách thẳng thắn không trốn tránh, cũng là hắn nắm trong tay những chuyển biến tâm lý suy tính của con người, dù có thể lúc đó chưa được điêu luyện như Cố thượng thư. Bên trong Cố Cửu Tư có đứa trẻ bị ép trưởng thành trong một đêm, chứng kiến cha chết chìm trong biển lửa, chứng kiến bạn nối khố đầu rơi giữa chợ, thứ hắn khắc trong lòng lại là mong ước quốc thái dân an, để máu xương đổ xuống đây không hoài phí.

 

Cố Cửu Tư chẳng phải thánh thần. Hắn trẻ con, hay làm nũng, mặt dày, đôi lúc lại còn quá ngông cuồng. Hắn chẳng phải lúc nào cũng suy đoán chính xác – hắn đã suýt mất Ngọc Như đến hai lần, một lần là vào đêm tế đàn, một lần là khi ở Huỳnh Dương – và nếu cộng thêm lần Chu Diệp nói dối hắn thì là ba. Hắn thậm chí còn suýt mất Ngọc Như trên đường tới U Châu kìa. Đúng, có lẽ xuất thân và việc có Ngọc Như ở bên ban cho hắn sự tự tin đến thế, nhưng tất cả mọi thứ hắn giữ được cho mình – sự thiện lương và sáng suốt – vẫn thuần là thứ đạo nghĩa mù mờ hắn giữ khi còn ở Dương Châu, hay càng ngày càng sáng tỏ trong suốt con đường làm quan của hắn, từ phá vụ Lục Vĩnh, hay đại án Huỳnh Dương. Mặc Thư Bạch, với lý tưởng “Xuất thân là điểm đặt chân, nhưng ý chí mới là thứ quyết định phẩm cách”, nhấn mạnh rất nhiều lần về những khoảnh khắc Cố Cửu Tư cô đơn. Hắn cô đơn bước trên quan lộ thuở dạo đầu, hắn cô đơn tiếp nhận trở thành thanh kiếm của Phạm Hiên, hắn ngẩn ngơ và lạc lõng khi bị giao xử án Thẩm Minh. Chỉ thật may, Cố Cửu Tư có thể cô đơn, nhưng hắn chưa từng cô độc.

Cố Cửu Tư không phải thánh thần. Hắn chỉ đơn thuần là một quân tử xứng với cái tên “Cửu Tư” mà đại cữu cữu Giang Sơn đặt cho hắn. “Quân tử cửu tư: Thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa.” – “Người quân tử phải có chín điều cần suy xét: nhìn cho rõ ràng, nghe cho tường tận, thái độ ôn hòa, nét mặt cung kính xuất phát từ tâm ý, lời nói phải tín nghĩa không thị phi, làm việc phải có trách nhiệm, khi có gì chưa hiểu phải tìm tòi cho ra đáp án chính xác, khi tức giận phải bình tĩnh nghĩ đến hậu quả, khi đứng trước lợi ích phải suy xét xem có phù hợp với đạo nghĩa hay không.

 

Thế cho nên, mình có hơi buồn, khi đọc nghe bảo Cố Cửu Tư ngây thơ ấu trĩ, Cố Cửu Tư vì gia đình thuận lợi huynh đệ giúp sức nên nhìn đời mới lạc quan đến vậy. Các nhân vật trong truyện vì không biết được hắn trải qua những gì thì không nói, nhưng người đọc được tiếp nhận thông tin do tác giả truyền tới mà vẫn nghĩ như vậy, tự dung mình thấy hơi ấm ức cho Cửu Tư. Sự hiểu người hiểu đời của hắn không chỉ đơn giản là do “tác giả bảo thế”, mà được giải thích không ít. Thời ăn chơi hắn tung tẩy bên ngoài, hắn học đời là từ đấy. Hắn cũng đã từng chứng kiến cha mình chìm trong biển lửa, từng thấy bằng hữu bị chém đầu, từng hiến tế tất thảy ung dung tự tại trong một đêm, từng thấy người mình đặt trong lòng lịm dần đi trên tay. Từng im lặng cay đắng khi tự ngẫm ra toàn bộ thiên cơ phía sau cữu cữu mà hắn thân thiết lại tôn trọng. Nhưng rồi sao. Cố Cửu Tư vẫn là người giữa nạn dân ở Thương Châu chỉ vung đao lên khi đối phương có vũ khí, vì trước mặt hắn là dân thường. Là Cố Cửu Tư bị gài bẫy cũng không phản kháng giữa đám loạn dân trên đê, cả mặt bùn sình lẫn vết thương nhẹ bẫng trả lời Liễu Ngọc Như rằng vì đó là dân thường nên hắn không thể chém. Một Cố Cửu Tư hết sức tử tế đối đãi với thế giới, sau cùng lại bị quy chung thành vì hắn xuất thân quá thuận lợi.

 

Việc để Chu Diệp nói dối Cố Cửu Tư rằng Ngọc Như đã chết kia chỉ giống như trao cho hắn thử thách cuối cùng. Bởi nếu như để cho Cố Cửu Tư nói nhiều hơn nữa, hẳn hắn sẽ bảo, hắn sẵn sàng dâng lại bình yên cho bá tánh Đông Đô, và cuối cùng tuẫn táng theo nàng. Bởi Cố Cửu Tư là người được Phạm Hiên nói, “Đại Hạ này còn Cố Cửu Tư”, được Phó Bảo Nguyên nói trong nước mắt và hơi men rằng “Ngươi khác bọn họ, trong lòng bá tánh có ngươi.” Cho nên, Cố Cửu Tư không ấu trĩ hay ngây thơ, cũng không vì gia cảnh xuất thân thuận lợi chưa từng mất mát nên suy nghĩ lạc quan, lại càng không phải kẻ giẫm đạp lên máu xương và bùn nhơ của người khác để cho chính mình hoàn toàn trong sạch. Hắn là kẻ sống, kế thừa và tiếp nối những di sản mà thế hệ trước để lại. Hắn đang thực hiện những gì Giang Hà nói, “Thời đại của ngươi, quan viên nên quang minh lỗi lạc dựa vào chiến tích và năng lực để đi lên. Ta hy vọng ngươi có thể sống khác chúng ta.” Hắn cũng đang thể hiện chính cái đạo nghĩa nằm trong tên của hắn: “phẫn tư nan” – “khi tức giận thì phải bình tĩnh suy xét đến hậu quả.”

Mình thật lòng thích cách Mặc Thư Bạch xây dựng nhân vật Cố Cửu Tư này. Rất mạch lạc, thẳng thắn và thống nhất, không đi theo xu hướng nửa chính nửa tà. Mặc Thư Bạch viết nên một nhân vật sống đúng với đạo nghĩa và hoàn toàn xứng hai chữ “quân tử” nhất từ đầu truyện đến cuối, nhưng hắn lại chẳng đạo mạo khô cứng mà trái lại còn rất trẻ con đời thường. Từng lớp lang tạo nên con người Cố Cửu Tư – tươi sáng, rạch ròi, đau thương, u tối, tuyệt vọng – khiến hắn trở thành một nhân vật cuốn hút. Một nhân vật khiến mình trong phút chốc thật sự tin rằng trên đời sẽ luôn có người như hắn: dù có khổ đau đến cùng, thì vẫn luôn đẹp đẽ. Sự yêu thích không chỉ là nảy sinh từ thứ gọi là đồng cảm cùng nhân vật, mà còn là từ ngưỡng mộ và hi vọng. Hi vọng trong thế giới “nhã tục cộng hưởng” thế này, thật sự còn tồn tại đạo nghĩa, như cách Liễu Ngọc Như nói: “Thiên hạ này còn Cố Cửu Tư.”

 

 

Lý tưởng và thực tại

Cố Cửu Tư là một nhân vật lý tưởng của Mặc Thư Bạch, thì tác giả lại trao cho Liễu Ngọc Như vai trò của một người nắm giữ cả lý tưởng lẫn thực tại.

Liễu Ngọc Như mang trong mình lý tưởng của Mặc Thư Bạch về quan niệm người phụ nữ được làm chủ chính mình. Từ một cô gái chỉ mong sống một đời bình lặng trong nội viện, cho đến khi trở thành phú thương bậc nhất Đại Hạ. Một cô nương nhỏ phương Nam luôn được miêu tả bằng sự dịu dàng, trong trẻo và mềm mại, nhưng cũng là cô nương ấy tự mình mở cửa hàng kinh doanh, tự mình đi gom lương thực ba châu, giữa hiểm nguy đồng ý quay lại Dương Châu thay tướng công xử lý, tự mình khuân đá đắp đê Hoàng Hà. Cô nương ấy hiểu ra việc sống cho mình, tự làm chủ đời mình mới là tốt nhất. Cô nương ấy với khát khao tên của chính bản thân sẽ lưu danh muôn đời, chứ chẳng phải chỉ là phận nương tử của bất kỳ ai khác.

 

Nói về sự trưởng thành của Liễu Ngọc Như, có lẽ hơi thiệt thòi cho nàng. Bởi nàng không được đắp nặn lớp lang cầu kỳ như cách Mặc Thư Bạch đắp nặn cho Cố Cửu Tư. Hoặc cũng có thể như cách Liễu Ngọc Như tự lý giải, cái gì nàng cũng giữ trong lòng, nên khó khăn vất vả lẫn con đường trưởng thành của nàng cũng chỉ trong lòng nàng tự thấu, muốn nhìn thấy chỉ có thể dựa vào những người xung quanh để suy đoán. Mạn phép bênh vực cho tốc độ kinh doanh vượt thần của bà chủ Liễu: cách thức Liễu Ngọc Như tạo ra Hoa Dung hay Thần Tiên Hương đều rất độc đáo và mới lạ so với thời điểm ấy. Hoa Dung hay Thần Tiên Hương của bà chủ Liễu có thể coi như hàng “high-end” độc nhất lúc đó, ví von vui miệng thì là mỹ phẩm Dior Chanel lẫn gạo ST25 của cổ đại. Vì nó là “độc nhất”, nên giữa thị trường bao la này, chỉ có bà chủ Liễu tung hoành. Trường huấn luyện sát thủ của bà chủ Liễu mới mở, nhưng hãy thử nhớ xem bà chủ Liễu 8 tuổi đã suy tính chuyện cưới gả thiệt hơn, 15 tuổi cưới chồng rồi được giao sổ sách của Cố gia ở Dương Châu, cho nên sự lớn mạnh nhanh chóng của trường huấn luyện kia cũng không hẳn là không có cách lý giải cho lắm. Ngoài ra, Liễu Ngọc Như dù là bà chủ chính, nhưng được “hỗ trợ” và “rót vốn” không ít từ phe phái Lục Vĩnh, cả tiền “bòn rút” Lạc Tử Thương. Chưa kể, chẳng lẽ phận dân buôn bao năm của Cố Lãng Hoa và Giang Nhu lại chẳng thể giúp đỡ con dâu phần nào? Cho nên đôi khi, đọc truyện không chỉ là nhìn vào con chữ, mà việc ngẫm ra những điều sâu xa hơn, nó cũng là một điều thú vị khác.

 

Quay lại với “tính lý tưởng” và “tính thực tại” mà Mặc Thư Bạch trao cho nhân vật này. Một nhân vật được xây dựng với những khía cạnh đối lập như không hề mâu thuẫn. Liễu Ngọc Như trong Trường Phong Độ có thể gây rung chuyển thị trường lương thực ba châu, có thể diễn kịch yếu mềm, có thể châm vào cái ơn nho nhỏ của Lạc Tử Thương để tính kế Tiêu Minh, có thể trước mặt thì cười ngay sau đó ra hiệu chém chết Vương Bình Chương. Nhưng cũng là Liễu Ngọc Như chẳng nề hà sợ hãi quyết phải cứu đê Hoàng Hà, một Liễu Ngọc Như lặng lẽ đứng nhìn xác Tiêu Minh treo trên thành, một Liễu Ngọc Như sau cuối đã rơi nước mắt khi nhận chiếc ô Lạc Tử Thương cất giữ rất lâu, một Liễu Ngọc Như muốn xây trường dựng nhà để chẳng còn mảnh đời nào như Tiêu Minh, như Minh Nhất, như Lạc Tử Thương.

 

Liễu Ngọc Như ấy đầy dịu dàng trong trẻo và vị tha, cũng là Liễu Ngọc Như nhìn đời thẳng thắn có nợ có trả thậm chí là nhiều phần lạnh lùng của một dân buôn. Liễu Ngọc Như mềm dịu như nước, cũng là Liễu Ngọc Như cứng cỏi ngoan trường, đôi ba phần tàn nhẫn. Nàng gói trong lòng một tâm nguyện con con của cô nương mười tám hai mươi, nhưng đồng thời lại đầy khát khao đầy hy vọng và mộng mơ ôm lấy thiên hạ rộng lớn.

Chính sự hài hòa giữa “lý tưởng” và “hiện thực” này, Liễu Ngọc Như không hề mâu thuẫn với Cố Cửa Tư. Trái lại, nàng là bổ khuyết hoàn hảo cho một nhân vật mang gánh nặng hy vọng như hắn, đồng thời, tự nàng cũng gặt lấy ánh sáng của riêng mình.

 

 

Phản diện không si tình

Nói qua một chút về Lạc Tử Thương, vì dẫu sao hắn cũng nằm trong tuyến “niềm tin vào ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ của Mặc Thư Bạch.”

Một nhân vật phản diện khá điển hình, mọi thứ của Lạc Tử Thương đều được đặt ở vị trí đối lập mâu thuẫn hoàn toàn với Cố Cửu Tư, từ hoàn cảnh xuất thân, con đường lựa chọn, kết cục cuộc đời. Lạc Tử Thương được Mặc Thư Bạch xây dựng đầy thẳng thắn và gần như không khoan nhượng. Thứ ý chí quyết định nhân cách của hắn được đẩy lên đối chọi với Cố Cửu Tư ở mức cao nhất, không hề nửa vời. Mặc Thư Bạch không cố biến hắn thành một hình mẫu phản diện si tình thường thấy: cách hắn đối đãi với Liễu Ngọc Như không phải cung cách của kẻ sinh tình, bởi nếu đã đặt hai chữ “si tình” vào đây, hắn sẽ coi Ngọc Như là giới hạn và ngoại lệ trong toàn bộ kế hoạch trả thù của mình. Sở dĩ hắn bày tỏ muốn cứu Ngọc Như khi ở Huỳnh Dương, là vì cái ơn nho nhỏ hắn giữ trong lòng. Lại nói, cái ơn cái nghĩa của một kẻ ác thực ra chẳng cao cả đến mức được tung hô đến thế đâu – đó chỉ như là một cái vỏ bọc cầu kỳ xinh đẹp, che lấy sự ích kỷ của chính kẻ đó thôi. Mặc Thư Bạch để Lạc Tử Thương tiếp xúc với Liễu Ngọc Như, để hắn thấy cách làm việc của Cố Cửu Tư, để hắn nhìn thấy một phần của sự lương thiện. Nhưng như đã nói, tâm trả thù của Lạc Tử Thương quá lớn, hắn cũng chẳng đặt cái ơn nho nhỏ kia làm ngoại lệ hay ranh giới cuối cùng. Cố Cửu Tư theo đuổi thiên hạ thái bình bao nhiêu cũng giống như cách Lạc Tử Thương theo đuổi kế hoạch trả thù và tóm lấy thiên hạ bấy nhiêu – cực đoan và luôn ở ngưỡng cao nhất. Vậy cho nên, nói Lạc Tử Thương vừa đáng thương vừa đáng trách cũng không hẳn đúng. Đứa trẻ ở thành miếu hoang kia đáng thương, Giang Tri Nhân đáng thương, còn Lạc Tử Thương là đáng trách.

 

Dù có vẻ đến cuối, Mặc Thư Bạch cũng như có ý muốn “tẩy trắng” cho nhân vật này, qua tiết lộ của Minh Nhất rằng Lạc Tử Thương giết Chương Hoài Lễ là vì Chương Hoài Lễ muốn giết hắn trước. Kiểu như cả thiên hạ đã tuyệt tình với hắn vậy. Nhưng coi như nhắm mắt bỏ qua, bởi dù sao thứ Mặc Thư Bạch theo đuổi trong Trường Phong Độ còn là quan niệm nhân chi sơ tính bản thiện như đã nói suốt từ đầu đến giờ. Cùng với một chi tiết thật đắt giá cũng thật nhân văn và hoàn toàn phù hợp chứ không vương mùi thuốc tẩy: Lạc Tử Thương, hay Giang Tri Nhân, gọi một tiếng “cha” trước khi bị nuốt vào ngọn lửa ở đại điện. Thứ khao khát thuộc về bản ngã nguyên sơ thánh thiện đơn thuần nhất được đánh thức, vào giây phút nhân vật này chuẩn bị rời xa cõi trần.

 

 

Một tình yêu trở thành tín ngưỡng

Đọc sẽ thấy là, tình yêu của Cố Cửu Tư và Liễu Ngọc Như không chỉ dừng lại ở ân ái phu thê. Một Liễu Ngọc Như từ khi chưa xác định rõ ràng tình cảm của mình những sẵn sàng nhịn đói để dành nước và lương thực cho Cố Cửu Tư. Một Cố Cửu Tư thuở còn mơ hồ nhưng chẳng ngần ngại xé thịt rút máu cầm hơi tàn cho cô vợ nhỏ hắn từng chẳng muốn cưới về. Sự vào sinh ra tử ấy đã khiến tình cảm của cả hai trở thành một mối liên kết không thể tách rời, như cách Mặc Thư Bạch bảo tình cảm của họ quá tốt, không biết phải xen vào như nào cho hợp lý hợp tình.

Cố Cửu Tư soi rọi một chân trời và lý tưởng mới trong đời Liễu Ngọc Như. Liễu Ngọc Như từ cô trưởng nữ Liễu thị vốn chỉ nhu mì ngoan ngoãn, tâm niệm vẻn vẹn trong nội viện con con, dần hiểu được điều tốt nhất là được làm chính mình, được cổ vũ để tự mình sải cánh bay cao. Một Liễu Ngọc Như dẫu sợ hãi mà bề ngoài vẫn bình thản như nước, trong trẻo dịu dàng mà can trường hơn hết thảy. Cái tên Cố Cửu Tư thoáng chốc trở thành một tín ngưỡng bất diệt, khiến nàng quên đau đớn mệt nhọc, cũng khiến nàng mặc sức tin tưởng hết thảy.

Và, Liễu Ngọc Như cũng trở thành bến đỗ êm đềm vững chãi nhất của Cố Cửu Tư. Từ khi hắn là tay phá gia chi tử ăn chơi trác tác chốn Dương Châu, cho đến khi trở thành quan lớn, ba chữ “đứng lên nào” của Liễu Ngọc Như là điểm tựa lớn lao của cuộc đời hắn. Liễu Ngọc Như soi sáng con đường lý tưởng gập ghềnh của hắn, Liễu Ngọc Như chẳng ngại gian khó cùng hắn bôn ba, Liễu Ngọc Như dịu dàng nhất thiên hạ giang tay và mỉm cười nói, “Cố Cửu Tư, ta đến đón chàng về nhà.” Cố Cửu Tư trên con đường đạo nghĩa của hắn có thể khó khăn, có thể cô đơn, nhưng Liễu Ngọc Như tuyệt đối sẽ chẳng để hắn cô độc.

*

Trường Phong Độ là một bộ truyện viết về thời cuộc. Thời cuộc đó có con người vì hận thù mà bước lên con đường xương trắng như Lạc Tử Thương, có con người thiện ác phân ranh rõ ràng như Liễu Ngọc Như, có kẻ đến cuối đời vẫn lạc lối như Phạm Ngọc. Thời cuộc ấy dẫu rối ren và bùn nhơ, thì vẫn ấp ủ hy vọng vào ít nhất một kẻ vì bá tánh, vì Đại Hạ, vẹn tròn đạo nghĩa như Cố Cửu Tư.

 


Bonus: Vài lời về vấn đề chuyển thể

Cho tới giờ mình cũng không còn bài xích khó khăn với phim chuyển thể như ngày xưa nữa, kể cả đó là bộ truyện mà mình rất thích. Cá nhân mình cũng gọi là dân viết nửa mùa, và đam mê làm phim dù chẳng còn mấy cơ hội để thực hiện, cho nên việc có thể biến hình ảnh bằng con chữ lên màn ảnh đối với mình cũng là một điều không xấu xa gì. Hơn nữa, căn bản là mình có quyền lựa chọn xem hoặc không mà. Nhưng nếu đã xem, mình sẽ không thể ngăn bản thân trở nên chi li “khó tính” quá mức. Dù cho thực tế là vì mình thích Bạch công tử trước, nên mới bắt đầu đọc truyện trong lúc chờ phim, giờ thì thành fan truyện và xoay ra kỳ vọng rất nhiều vào dàn diễn viên lẫn kịch bản chuyển thể.

Suy cho cùng, một bộ phim không thể giống một bộ truyện, đặt toàn bộ thế giới xoay xung quanh nam nữ chính và thiết lập theo góc nhìn của họ. Một bộ phim cần sự bao quát hơn thế. Quan trọng là, đối với một bộ truyền hình của Trung Quốc hiện nay bị chi phối bởi rất nhiều thứ: tư bản tài trợ, đoàn đội diễn viên, địa vị các diễn viên, thậm chí cả fans của các diễn viên nữa. Cho nên, sẽ có tình tiết bị cắt bỏ, bị them vào, sao cho phù hợp với những nhân tố trên, phù hợp với thị hiếu nói chung và phù hợp với bên kiểm duyệt. Cứ thế, vai trò lẫn sự tác động của nam nữ chính trong đời nhau buộc phải san sẻ cho các nhân vật (diễn viên) khác. Việc yêu cầu và kỳ vọng chuyển thể bê nguyên 100% nguyên tác là hoàn toàn bất khả thi.

 

Vì thế, mình chỉ dám mong một số cảnh quan trọng được giữ lại, thông điệp và quan niệm của tác giả được vẹn nguyên. Tính cách và chuyển biến tâm lý của nhân vật không bị thay đổi quá nhiều, và nếu thay đổi, phải được xử lý hợp lý, không ảnh hưởng tới tinh thần của nguyên tác. Còn diễn viên, dĩ nhiên là mong có thể hiểu nhân vật để diễn tròn vai, đừng chỉ dựa vào keyword rồi “cuồng diễn”.

Hy vọng những “yêu sách” đây không ít cũng không quá nhiều hay quá khó khăn để thực hiện. Mình chỉ một lòng vừa mong ngóng vừa lo lắng cho ngày Trường Phong Độ lên sóng.

3 bình luận về “[Đây không phải review] Trường Phong Độ, niềm tin vào ‘Nhân chi sơ tính bản thiện’ và lý tưởng của Mặc Thư Bạch

  1. Cảm ơn bài review có tâm của bạn, lời bạn nói thay cho lời mình muốn nói luôn. TPĐ là truyện đầu tiên mình đọc của Mặc Thư Bạch, trước đó mình cũng đã đọc cung đấu, quyền đấu nhiều nhưng thực sự ấn tượng chỉ có A Mạch tòng quân và thứ hai là TPĐ. Vì mình khá thích chủ đề đấu tranh giữ cái thiện cái ác, giữa thời loạn lạc thì không ai đúng cũng chả ai sai. Chúng ta không thể sinh ra đã được chọn xuất thân, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn phải sống thế nào cho không thẹn với đời. Mình không trách Lạc Tử Thương nhưng mình cũng không thích nhân vật này, mình chỉ thích tác giả muốn cài cắm cái thiện, cái lý tưởng của bạn ấy vào từng nhân vật. Đứng trước ngã rẽ cuộc đời, có thể sa ngã, có thể buông tay, có thể nằm im chịu trận, có thể vùng lên tranh đấu, nhưng hơn hết là Mặc Thư Bạch đã để Cố Cửu Tư được gặp Liễu Ngọc Như, đã để những nhân vật như Tần Nam, Phó Nguyên Bảo vẫn giữ vững sơ tâm hai chục năm để rồi một ngày được nhìn thấy thiên hạ thái bĩnh, đã để Phạm Hiên tuy thương con nhưng vẫn sẵn sàng trao cho Cửu Tư cơ hội phế bỏ, đã cho mình thấy được dù có gian lao nhường nào nhưng con người vẫn nên hướng về cái thiện.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.