[Đây không phải review] Khanh Khanh Nhật Thường, củi dầu gạo muối và các chỉa mậy tốt

Nói sao nhỉ, mình thích cách Khanh Khanh Nhật Thường (giờ gọi ngắn là Khanh Khanh nhé) đặt những người phụ nữ cổ đại vào một cuộc chiến song song với các vị phu quân đang giành giật ngôi kế vị, theo cách rất mới mẻ chứ không hề lối mòn, mà vẫn đủ hấp dẫn và ý nghĩa.

 

Đối với các bộ phim cổ đại hơi theo hướng “cung đấu” như này, nam tử đấu đá nhau trên triều giành ngôi kế vị, nữ tử đấu đá nhau trong hậu cung để giành sủng ái. Khanh Khanh vẫn có đầy đủ những tình tiết vẫn hay xảy ra trong các câu chuyện cung đấu, nhưng lại được xây dựng và xử lý theo cách lành mạnh và mới mẻ hơn. Nam tử ở trong Khanh Khanh vẫn đấu đá nhau giành ngôi kế vị, còn cuộc chiến của nữ tử ở đây lại là để giải phóng chính mình, một cách mạnh mẽ lành mạnh. Để thấy, bên cạnh cuộc chiến muôn thuở của đàn ông thời cổ đại, thì những vị phu nhân và trắc phu nhân trong Khanh Khanh, họ đang sống một cuộc sống của chính họ, không cần nhờ vả dựa hơi phu quân. Và đặc biệt, không bán đứng lại chính những người chị em tốt của mình.

Sẽ bắt đầu với một vài nhân vật, như Hách Gia đi. Một cô gái đến từ Yên Xuyên, con vợ lẽ, rất khó khăn mới có thể tới cuộc tuyển chọn tú nữ của Tân Xuyên. Tâm vọng của cô ấy khi đến đây là được gả vào một “mối tốt”, sống dựa vào chồng để tìm kiếm cuộc sống bình yên. Hách Gia coi chồng là “chủ nhân” còn mình là “người làm công”, một “người làm công” chỉ cần kiếm được “chủ nhân” có địa vị tốt là được rồi. Việc được gả vào làm trắc phu nhân của Nhị thiếu Doãn Tung tức Đích trưởng chủ của Tân Xuyên là tâm nguyện của Hách Gia, dù cho Nhị thiếu là một cái cờ đỏ di động đúng nghĩa, tâm trạng thất thường, động cái sẽ mắng sẽ phạt sẽ coi vị trắc phu nhân mới cưới này như đồ chơi trong tay. Hách Gia biết Nhị thiếu không ưa Lục thiếu Doãn Tranh, không ưa Lý Vy, cố tình không đến tiệc khai phủ nhà Doãn Tranh để “dằn mặt”. Với kiểu nhân vật như Hách Gia, rất dễ dẫn đến tình huống vì muốn ân sủng của Doãn Tung mà trở mặt với Lý Vy, dù đấy là bạn tốt nhất của mình đi chăng nữa, và tình huống thế này xảy ra nhiều phim rồi. Nhưng Khanh lại để Hách Gia xử lý hoàn toàn khác. Cô ấy vẫn đến tiệc khai phủ, mặc cho biết sau đó trở về sẽ bị Doãn Tung đánh mắng phạt quỳ các kiểu, nhưng cô ấy vẫn đến vì bạn tốt của mình. Khi Doãn Tung đề nghị Hách Gia lợi dụng tình cảm với Lý Vy để đi nghe ngóng xem Doãn Tranh đang suy tính gì, Hách Gia cũng rất khéo léo từ chối, chứ không hề hùa theo Doãn Tung. Một cô gái tự nhận bản thân là “người làm công” đầy thấp kém chỉ sống dựa vào người khác như thế, nhưng lại vô cùng trượng nghĩa đối với người chị em của mình.

 

Nhân vật thứ hai muốn nói tới là Nguyên Anh, quận chúa Kim Xuyên, giỏi giang tháo vát, kiểu chuyện nước chuyện nhà đều lo được hết. Nguyên Anh được gả cho Doãn Tranh làm phu nhân lớn, giữa hai người có một thỏa thuận là khi nào Doãn Tranh vững vàng vị trí trong triều, Nguyên Anh dạy cho Lý Vy tất cả mọi thứ để lo liệu trong nội viện, thì hai người sẽ ly hôn vì Doãn Tranh chỉ muốn lập Lý Vy làm phu nhân thôi, còn Nguyên Anh thì không muốn lập gia đình. Okay, biến đến rồi =))))) dựa vào các phim thường gặp khác, trong quá trình “hôn nhân hợp đồng” kiểu này, Nguyên Anh dần nảy sinh tình cảm với Doãn Tranh, sau đó sẽ là một màn đấu đá tung trời giữa vị phu nhân danh chính ngôn thuận nhưng không có tình của thiếu chủ với vị trắc phu nhân không có gì nhưng lại được thiếu chủ cưng chiều, đúng không. Nhưng như đã bảo, Khanh Khanh hướng tới những lối đi có phần lành mạnh hơn nhiều. Toàn bộ quãng thời gian hợp đồng hôn nhân đấy, Nguyên Anh thể hiện rõ là một đồng sự rất ăn ý của Doãn Tranh, nhưng đó là những việc trên triều, kiểu tranh đấu suy đoán lòng người hay xử lý thuế má, cuộc nói chuyện của họ không hề có một chút tình cảm nào khác sự ăn ý của những người “làm ăn” với nhau. Trong khi đó, người khiến Nguyên Anh có nhiều cảm tình hơn lại là Lý Vy. Một người giỏi giang tháo vát nhưng bị kìm hãm quá mức như Nguyên Anh, luôn phải làm mọi chuyện thật tốt đến mức sống quá đỗi quy củ và cứng nhắc, lại vì ở cạnh Lý Vy mà biết cách yêu quý và nhẹ nhàng với bản thân hơn. Nguyên Anh dạy Lý Vy lo chuyện nội viện lẫn chuyện kinh doanh ở tửu lâu, từ một cô nương chẳng có tài cán gì trở thành một phu nhân tự tin và đầy đủ năng lực. Còn Lý Vy dạy Nguyên Anh cách biết giữ biết thả, dịu dàng với bản thân mình, và không cần phải gồng mình lên nữa.

Trong câu chuyện “tay ba” nhà anh Sáu giữa Nguyên Anh – Doãn Tranh – Lý Vy, tại sao mình dám khẳng định là Nguyên Anh không có bất cứ tình cảm nào khác đối với Doãn Tranh. Vì trong cảnh Nguyên Anh đứng ngoài sân nhìn Doãn Tranh và Lý Vy cùng với đứa nhỏ mới sinh được Hách Gia nhờ trông, một khung cảnh gia đình ba người cực kỳ vui vẻ ấm ấp. Ống kính đại diện cho góc nhìn của Nguyên Anh khi chiếu vào, người xem chỉ thấy bóng lưng của Doãn Tranh chứ không rõ mặt, và chiếm một phần của khung hình. Trong khi đó, gương mặt tươi cười rạng rỡ của Lý Vy lại là thứ nổi bật hơn cả trong khung hình. Điều này chứng tỏ, thông qua ống kính đại diện cho góc nhìn của Nguyên Anh, tầm mắt của Nguyên Anh đang đặt vào Lý Vy nhỉnh hơn trong cả khung cảnh ấy. Nguyên Anh cảm thấy Lý Vy đã đủ trưởng thành đủ cứng cỏi, có thể để Lý Vy quang minh chính đại nhận hết tất cả tình cảm lẫn vị trí mà Lý Vy vốn dĩ thuộc về, nên Nguyên Anh hoàn toàn có thể yên tâm rời đi.

 

Một bộ phim “cung đấu cổ đại”, có thể thấy bà cả Nhị thiếu bật khóc khi tưởng bà hai nhà Nhị thiếu đã nhảy hồ mà qua đời; có thể thấy bà cả Tam thiếu mạnh mẽ quyết liệt dẫn 16 người vợ bé của chồng mình bỏ nhà đi lập nghiệp, thoát khỏi người chồng mồm mép hay lăng nhăng của mình; có thể thấy bà hai Lục thiếu vừa khóc vừa không nỡ để bà cả  ly hôn với chồng mình. Dĩ nhiên, mỗi mỗi thể loại phim đều có sức hút và đối tượng khán giả riêng, mình không phủ nhận ý nghĩa hay cái hay ho của những tình tiết đấu đá hậu cung trong các phim khác, bởi chính bản thân mình cũng khoái xem mấy cái đó lắm =)))) Nhưng việc những cô nương của Khanh Khanh yêu thương tôn trọng và giúp đỡ nhau, nó dễ thương mà ấm lòng lắm. Nó làm thay đổi hoàn toàn hình tượng phụ nữ trên màn ảnh phim cổ đại chỉ biết tựa vào chồng, tính kế ủ mưu, nhỏ nhen với nhau, người này chuốc thuốc người kia người kia đặt bẫy người nọ. Họ dù ở chiều không gian nào cũng có thể thật tự tin và tự do, có thể làm việc lớn làm việc họ muốn, và quan trọng là chẳng phải sống vì bất cứ thằng đàn ông nào cả.

Đến tập cuối cùng, thông điệp về giải phóng phụ nữ, để họ được sống cuộc sống của họ và chọn con đường của họ, nó cũng rất nhẹ nhàng thiết thực mà không bị biến thành giáo điều hay khiên cưỡng. Không phải là trực tiếp dạy họ kinh doanh như việc mà Lý Vy đang quản lý tửu lâu, mà là dạy họ từ những cái rất bình thường như ăn gì, mặc gì cho khỏe mạnh, phù hợp với bản thân. Để từ đó họ có thể tự tin tìm được con đường bản thân muốn đi, không phải cậy nhờ ai hết. Thế nên thực sự năm nay mình cày cứng ba bộ phim, thì Khanh Khanh là bộ mà xem từ đầu đến cuối, mình đều cảm thấy hài lòng, không thấy thiếu hay thừa gì hết.

 

Các mối quan hệ khác phim làm cũng rất tốt. Từ tình cảm gia đình, anh em, mưu đồ toan tính, tất cả, đều được xử lý nhanh gọn và hợp lý chứ không bị rườm rà, mạch phim từ đầu đến cuối vẫn giữ nguyên vẹn tính chất bình đạm chữa lành của mình. Mỗi nhân vật trong phim đều mang vai trò hình tượng hóa của bản thân, tâm lý nhân vật phát triển và triển khai hợp lý chứ không bị gồng, cũng không có gì khiến người xem bị quá bực tức cả.

Hài nhưng không nhảm, ý nghĩa nhưng không giáo điều. Dĩ nhiên, vì phim lựa chọn đi theo hướng “chữa lành” vui vẻ bình đạm không nhiều plot twist không cua gắt nên mỗi tình tiết được xử lý nhanh gọn và nhẹ nhàng hơn. Nhưng cái hay ho là lựa chọn hướng đi củi dầu gạo muối thế phim vẫn giữ được mạch phim cuốn người xem và không bị thành nhạt nhẽo, và mình thì ưng điều này lắm. Xem xong tập cuối rồi, đúng đêm giáng sinh nữa, thành ra lòng cứ nhẹ bẫng cả đi, dễ chịu cực kỳ.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.