[Trans] Luận bàn về Triển lãm BURNING PLANET – Gentle Monster x MINO

BURNING PLANET là triển lãm đầu tiên do Mino tham gia xây dựng và sáng tạo các tác phẩm, cùng với bài chủ đề “FIANCÉ” của solo album đầu tiên “XX”, tạo một “concept” xuyên suốt với hình ảnh “con chim xanh.”

Kỉ niệm 3 năm ra mắt FIANCÉ và XX. Một cú nổ to lớn đầu tiên, khẳng định vị thế và cái tên soloist Song Mino, với hàng loạt thành tích đáng tự hào.

 

*Lời tác giả bài viết:

“Thật lòng tôi chưa bao giờ có ý định sẽ đăng tải bài viết này lên. Tôi không phải người có độ nhận diện rộng trong fandom. Nhưng tôi đã viết một bài luận về Burning Planet. Tôi dự định sẽ chỉ giữ cho riêng mình thôi, nhưng khi nghe về chứng lo âu của Mino, tôi nghĩ mình nên đăng nó. Có lẽ ai đó sẽ quan tâm đến nó.”

***

 

Tôi đã đến triển lãm Burning Planet của Song Mino.

Trước khi tới, tôi đã gần như tránh xem những tấm ảnh hay các bài báo về buổi triển lãm, trừ cốt chuyện đã được tiết lộ từ trước. Trước khi bắt đầu, tôi muốn nhấn mạnh rằng nghệ thuật thì không có đơn thuần một đáp án chính xác. Mỗi người có một cách hiểu của riêng mình, và tôi không chắc cách hiểu của mình có giống cách Mino muốn truyền tải hay không. Và giờ tôi sẽ bắt đầu các trải nghiệm của mình.

 

Như vài người kể lại, ngay khi vào mỗi người sẽ được phát bốn chiếc thẻ khác nhau. Trên phong bì đựng các tấm thẻ giải thích rằng, sẽ có vài địa điểm các bạn phải trả phí để đi qua bằng tiền tệ của Burning Planet. Mỗi tấm thẻ đều có màu sắc và thiết kế riêng mà không có giải thích gì hết. Cửa vào ở sau tấm rèm đen có người đứng gác, nơi bạn sẽ phải trả tấm thẻ “mong muốn” đầu tiên. Tấm thẻ màu đỏ và có mặt cười bên trên. Chúng tôi trả tấm thẻ và tiếp tục đi vào.

 

Căn phòng tiếp đó là một phòng đồng hồ. Nó rất sáng sủa, ấm áp và thoải mái. Nó được trang trí bởi rất nhiều đồng hồ lớn lẫn đồng hồ quả quýt. Sau khi đứng trong phòng một lúc, chúng tôi được yêu cầu trả tấm thẻ “mong muốn” thứ hai. Tấm thẻ này màu vàng và có ngôi sao phía trên. Chúng tôi được dẫn qua một hành lang tối tăm tới căn phòng có con đà điểu máy lớn. Con chim chuyển động một cách kì dị và đáng sợ. Chứng lo âu của tôi bắt đầu dâng lên từ đây. Âm nhạc kì quái vang khắp phòng, và tôi nhận ra trong này không có một chỉ dẫn nào cả. Một lúc sau, tiếng Mino trên loa bắt đầu kể về câu chuyện của Burning Planet. Không một ai di chuyển sau khi anh ấy nói. Tôi đứng ở hàng đầu tiên và toàn thân như bị đóng băng, không biết nên bước đi hay đứng lại. Tôi cảm nhận được nỗi lo âu của mình đang ngày càng dâng lên cao hơn nên tôi đã quay ra nhìn người bảo vệ ở góc phòng. Tôi chờ để được chỉ dẫn gì đó nhưng anh ta lại chẳng nói gì cả. Tôi đùa với bạn mình rằng giờ chả biết phải làm gì nhỉ. Nhưng sự thật là chúng tôi đang sợ hãi và chứng lo âu quá cao khiến chúng tôi không biết nên quyết định sao cho phải. Không ai phía sau tôi có ý định vượt lên, nên cuối cùng tôi đã quyết định cố gắng di chuyển sang phòng tiếp theo. Sau đó, những người khác cũng bắt đầu đi theo.

 

 

Tiếp theo là một căn phòng tối với những kiến trúc tựa cây cối đã cháy đen. Tôi cảm thấy chứng lo âu của mình đã biến mất và thoải mái khi ở trong bóng tối. Ở góc phòng có một bức tranh nằm trong cái lỗ của trần nhà. Ban đầu nó khiến tôi cảm thấy rất kì lạ. Những chú chim xanh và những khuôn mặt người – một số thì hạnh phúc, một số thì lại không. Và nhờ ánh sáng mờ ảo, tôi nhận ra chữ X che toàn bộ đôi mắt họ. Tôi dạo quanh căn phòng với cảm giác kì quái bủa vây, và đi về phía bên kia của căn phòng nơi có một người phụ nữ đang chơi đàn piano. Cô ấy không ngừng chơi đàn trong khi bị giam trong một chiếc hộp sáng màu, cùng với bộ đồ đen và khuôn mặt bị che kín. Giai điệu rất đẹp đẽ và có vẻ tràn đầy tươi sáng lẫn hạnh phúc, nhưng khung cảnh lại quá đỗi đau lòng. Rất cô độc. Chỉ có một con nai trắng giả đang di chuyển trong góc, cô gái như chỉ đang được trưng bày và tách khỏi thế giới. Đối diện cô gái là căn phòng nhỏ với những hình nhân mặc trang phục công sở. Màn hình LED che đi đôi mắt họ, phía trên chạy hàng chữ:

“Con chim xanh của ngươi đâu rồi?”

“Too dark to live, too bright to die”

/TN: vì câu này mang nhiều ý nghĩa khi dịch ra tiếng Việt sẽ không hay nữa, nên mình sẽ để nguyên tiếng Anh./

Đây chính là thứ đã ám ảnh chúng tôi. Chúng tôi di chuyển tới phần cuối của triển lãm, nơi chúng tôi được yêu cầu trả tấm thẻ “mong muốn” cuối cùng. Chiếc thẻ có màu xanh lá với họa tiết cân trên đó. Khi đổi thẻ, chúng tôi được nhận đồ ăn nhẹ và coffee. Bạn tôi và tôi nhận lấy đồ của mình và ngồi xuống, cố để hiểu chúng tôi vừa đi qua những gì và lý giải nó.

 

Cụm từ “con chim xanh” trở đi trở lại trong chúng tôi và cuối cùng tôi đã thử tìm kiếm nó trên mạng. Tất cả mọi thứ trùng khớp khiến tôi thấy trái tim như trùng xuống. Nó đáng lẽ là một thứ phổ biến nhưng bản thân tôi lại chưa khi nào đặt cho nó một cái tên. Cho những ai không biết về hội chứng Chim Xanh, theo trang Yonsei, “Hội chứng Chim Xanh nói tới một hiện tượng xã hội ở đó con người không thể sắp xếp được những xáo trộn trong cuộc sống và môi trường làm việc. Thuật ngữ này trích từ một vở kịch “Con Chim Xanh” nổi tiếng của Maurice Marterlinck, ở đó nhân vật chính luôn đuổi theo hạnh phúc, mà không biết rằng nó gần hơn họ tưởng. Những người mắc hội chứng này luôn thấy không thỏa mãn với cuộc sống của họ và luôn mơ về một tương lai đẹp đẽ mà chẳng cần chút nỗ lực nào. Tất cả mọi người đều bị mắc hội chứng này ở một mức độ nhất định, nhưng đối với trường hợp nghiêm trọng hơn thường có triệu chứng lâm sàng như chán nản hay lo âu. Hội chứng Chim Xanh là hậu quả của những cạnh tranh trong xã hội công nghiệp, nơi con người không còn tin vào khả năng thành công.”

Những câu chữ này giống như đánh tôi một cái thật đau. Thật sự, tôi đã rơi nước mắt. Hóa ra đây chính là những xúc cảm mà tôi đang vật lộn cùng nó mỗi ngày. Chúng tôi nghĩ lại những bước từ đầu buổi triển lãm đến giờ. Chúng tôi đã phải trả từng cái giá một để tới được giờ. Cái giá đầu tiên chúng tôi trả là sự hạnh phúc. Chúng tôi trả cho những gì chúng tôi “muốn”để đi qua con đường hầm tối tăm đó. Ở trong phòng đồng hồ, một lần nữa chúng tôi trả giá cho thời gian. Tựa như để lấy được năng lượng dưới dạng đồ ăn, chúng tôi đánh đổi cho sức khỏe của mình. Còn tấm thẻ cuối cùng? Hai ngôi sao tôi nghĩ rằng đại diện cho giấc mơ hoặc hi vọng. Tất cả những gì chúng ta cần làm là giữ lấy nó. Căn phòng với những cái cây cháy rụi khiến tôi cảm thấy thoải mái bởi đó chính là thế giới trong suy nghĩ của tôi. Căn phòng rộng cuối cùng có vài điểm khác cần lưu ý. Những hình khối giống nhưng những chiếc cửa sổ bị che kín lại, giống như chính những suy nghĩ của tôi không thể thoát khỏi thế giới này. Căn phòng này có hai công nhân mệt mỏi đang gõ những dòng vô nghĩa nhằm cấp sáng cho một khối tròn chẳng để làm gì cả. Họ cứ làm không ngừng nghỉ.

 

 

Âm nhạc xung quanh càng trở nên rùng rợn và quái đản, lấp đầy bạn bằng những khổ đau cùng nỗi âu lo. Thật sự thì dường như âm thanh của trầm cảm lẫn phiền muộn cứ đeo đẳng xung quanh tôi. Khu vực cuối cùng có một chiếc bàn dài cùng những bức tượng trắng bên trên. Cùng một căn phòng nhưng có cả một phòng khách, máy giặt/sấy, khu trò chơi, một salon, và cả một nhà thờ. Những người công nhân sẽ làm việc trong mỗi khu khác nhau. Người thợ giặt trông đầy chán nản đang làm những việc nhà thường nhật, chiếc bàn là của anh ta phải cắm với một chiếc IV để hoạt động. Phòng khách chỉ có duy nhất một chiếc ghế nơi một người không mặt đang ngồi cô độc trong thế giới nhỏ bé của anh ta. Khu trò chơi đáng lẽ phải đem lại cảm giác vui nhộn thư thái thì lại chẳng hề đem đến niềm vui cho người chơi. Điểm lưu ý ở đây là có hai người đang ngồi chơi, nhưng họ không hề nhận ra đối phương mà chỉ tiếp tục chơi như một việc họ buộc phải làm. Một người khác thì ngồi trong salon ngập tràn ánh sáng, làm động tác như đang đeo lên chiếc mặt nạ. Người cuối cùng ngồi một mình phía sau nhà thờ, có lẽ đang cầu nguyện để xin được cứu rỗi, hoặc đã quá tuyệt vọng để cố gắng làm bất cứ điều gì.

 

Đây là một trải nghiệm đầy cảm xúc với tôi, một người vốn phải chịu đựng quá nhiều trầm cảm lẫn bế tắc, quá nhiều ước và tham vọng trong khi việc cử động mỗi ngày cũng đều khó khăn vô cùng. Tôi cứ thế lãng phí quỹ thời gian để cuộc đời chôn vùi trong căn phòng u ám. Tôi cố gắng làm việc và làm việc mà chẳng có mục tiêu. Những hoạt động vui chơi trở nên vô nghĩa và chẳng dẫn tới đâu cả. Dường như chẳng có ai ở đây để tôi cầu cứu hết. Tôi tiêu tốn thời gian lẫn niềm vui của mình mà chẳng gặt hái được điều gì. Thật lòng, tôi đang vừa khóc vừa viết những dòng này. Tất cả những gì còn sót lại bây giờ chỉ là giấc mơ tôi vẫn mang theo. Tôi cố gắng chống lại sự tuyệt vọng nhưng nó đã ăn sâu vào bên trong tôi mất rồi.

 

 

Trong chiếc túi chúng tôi được nhận còn có những tấm mặt nạ. Tấm thì che kín đôi mắt, tấm thì tựa hòn đá vô tri vô cảm, và một tấm trông rất cuốn hút. Bạn sẽ chọn trốn sau tấm mặt nạ nào? Tấm làm khuất đi gương mặt bạn, tấm với vẻ hạnh phúc cùng đẹp đẽ giả tạo, hay tấm che đậy toàn bộ xúc cảm trong bạn?

 

Lời kết, tôi cảm giác như vừa bước chân vào chính tâm hồn mình. Một bản sao vật chất của những thứ trong đầu tôi. Hệt như ca khúc Home của Tablo. Buồn thay, đây cũng là từng bước dẫn vào tâm trí của Mino, một người có lẽ cũng đang phải chịu đựng những chật vật như tôi vậy. Một trải nghiệm đẹp đẽ, nhưng cũng rất đỗi đau lòng. Giống như khi rời khỏi triển lãm, một lúc nào đó tôi cần phải rời khỏi thế giới trong tâm tưởng của mình. Tôi biết tôi cần phải làm gì nhưng tôi cũng sợ bị rơi vào một vòng luẩn quẩn. Đánh đổi thời gian và hạnh phúc để rồi quay về căn phòng đáng sợ với con chim khổng lồ chỉ để về lại nơi tối tăm thân thuộc nọ, nó làm tôi nhớ tới thông điệp trên tấm LED: nỗi lo lắng khiến cuộc sống quá đỗi u ám để sống, nhưng đồng thời, cuộc sống cũng quá tươi sáng để chết. Nỗi lo lắng khiến ta mắc kẹt giữa ranh giới sống – chết. Tôi thấy thật tiếc cho những ai không thể trực tiếp tới đó. Và với những ai đã được trải nghiệm, có lẽ họ sẽ đồng ý hoặc không đồng ý với cách hiểu của tôi nhưng đây là những gì tôi cảm nhận được. Còn bây giờ, tôi đã có thể gọi tên xúc cảm mà tôi đang phải đối mặt mỗi ngày.

Hội chứng con chim xanh.

 


Source: melittl327

Vtrans: Kel

không reup lại bản dịch ở bất cứ hình thức nào.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.